Chân phước Gioan Beyzym là linh mục đầu tiên sống với người bệnh phong tại Madagascar. Ngài sinh ngày 15.05.1850 tại Beyzymy Wielkie, thời ấy thuộc nước Ba Lan, hiện nay ở nước Ucraina. Ngài học nội trú ở trường của Dòng Tên tại Chyrow (hiện nay thuộc Ucraina). Ngài vào nhà tập Dòng Tên ngày 10.12.1872, và được thụ phong linh mục tại Krakow, Ba Lan, ngày 26.07.1881.
Năm 1887, ngài xin với bề trên nhà rồi gửi đơn lên Bề Trên Cả ở Rôma để xin đi phục vụ bênh phong ở Madagascar. Ngài được chấp thuận, và ngày 31.12.1887, ngài đi Madagascar.
Trại phong Ambahivoraka ở gần Antananarivo, trong khu vực do các cha Dòng Tên người Pháp, tỉnh dòng Toulouse phụ trách. Trại có 150 người bệnh, gần như hoàn toàn bị bỏ rơi trong sa mạc heo hút. Họ sống trong những lều rách nát, không lót nền, không của sổ, không đồ đác, chia thành ô, mỗi người một ô. Họ không có thuốc chữa bệnh mà cũng không ai giúp họ gì hết. Thường họ chết vì đói hơn là vì bệnh tật. Sau 2 tuần, ngài đến ở hẳn với người bệnh trong trại.
Điều cha Beyzym mong nhất là xây được một bệnh viện cho người phong. Ngài xác tín: “Một bệnh viện với bác sĩ và y tá và cả các nữ tu nữa là điều tối ưu.” Trải qua biết bao cản trở và khó khăn, nhưng nhờ đức tin sắt đá của ngài, một bệnh viện đã được khánh thành ngày 15.08.1911, nhằm lễ Đức Mẹ Lên Trời.
Sau 14 năm hăng say hoạt động và phục vụ người bệnh phong, ngài đã ngã bệnh và qua đời sáng ngày 02.10.1912. Ngài đã sống đúng như ngài xác tín: “Ở đâu chúng ta phục vụ Thiên Chúa được hơn và giúp các linh hồn được hơn thì đó là quê hương chúng ta.” Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 18.08.2002.
Ảnh: dongten.net,
Bài: Sách lễ Phụng vụ Dòng Tên 2015