Giáo Hội sống trong sự hiệp thông có Chúa ở giữa. Đó là communio trong ý nghĩa đúng đắn của nó, có nghĩa là chúng ta được Chúa gọi mời chúng ta đến bàn tiệc của Chúa, để chúng ta hiệp nhất với Chúa và với nhau, và cùng liên kết với nhau cử hành bữa tiệc Thánh cao trọng nhất với lương thực là Mình và Máu Thánh Chúa.
Bữa tiệc này dựa trên chính tình yêu trân trọng mà Chúa dành cho chúng ta.
Mình và Máu Thánh Chúa trân trọng và yêu thương từng phận người.
Ngày như mọi ngày, nhưng hôm nay cánh cửa nhà Dòng của các thầy sống tinh thần bác ái được mở rộng ra. Các anh chị em vô gia cư từ khắp phố phường của thủ đô Paris tráng lệ tuôn đến. Họ là ai?
Họ là những người đánh mất tất cả mọi sự trong đời: sự nghiệp, gia đình, công việc, chốn nương thân… Họ là người Pháp, dân bản địa, là những di dân đến từ mọi nơi: Úc, Mã-lai, Việt Nam, Do-thái, Đức, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha và một số nước Châu Phi khác. Họ thuộc mọi lứa tuổi và họ thuộc về mọi tôn giáo khác nhau, từ Ki-tô giáo đến Hồi Giáo, từ Phật Giáo đến những người không có niềm tin tôn giáo.
Cuộc đời của họ giờ đây vất vưởng trên những hè phố Paris lộng lẫy, nay ở gầm cầu này, mai bên góc của một nhà ga xe lửa kia…
Tất cả họ hôm nay đến với ngôi nhà Dòng đơn sơ ở tại một phố phường của Paris. Họ được các thầy dòng Bác ái mời vào cùng cầu nguyện chung trong Thánh Lễ, và các thầy cho phép tôi được dâng Thánh Lễ đặc biệt này. 04 thầy Dòng cùng tôi và gần 50 anh chị em vô gia cư quây quần quanh bàn thánh.
“Le seigneur soit avec vous – Chúa ở cùng anh chị em!”
Đó là lời chào quen thuộc tôi thường đọc vào đầu Thánh Lễ. Đáp lời là 04 thầy Dòng và một hai cung giọng khác.
Hòa theo cung giọng sốt sắng đó, toàn thể các anh chị em vô gia cư hiện diện cách nghiêm trang với sự tôn trọng những giây phút thánh thiêng đang diễn ra, dù họ chẳng hiểu gì.
Ôi một sự hiệp thông quá đặc biệt giữa chúng tôi với nhau tại bàn tiệc thánh này!
Con cái Chúa là anh chị em đây, những người vô gia cư thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo và tuổi tác. Họ đang ở đây trước mặt Chúa với hoàn cảnh rất thương đau họ đang phải gánh chịu.
“Anh chị em thân mến, dù anh chị em là ai, dù anh chị em sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, thì trong đôi mắt của Chúa, mỗi anh chị em đều thật quý giá, được Thiên Chúa trân trọng và mến thương!”. Trong bài giảng tôi trao gởi mọi người lời đến từ trái tim.
Thật vậy, trước mặt anh chị em có lời nào đẹp hơn lời của Chúa nói với từng người trong chúng ta: “Tu es précieux à mes yeux, honorable, et que, moi, je t’aime – Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4).
Khi nhắc lại lời này của Chúa, dòng nước mắt tự động chảy ra trên khuôn mặt tôi đã bắt gặp dòng nước của một số anh chị em đang ngồi trước mắt. Phận đời của tôi và phận đời của họ dù khác biệt nhưng chúng tôi “gặp nhau” trong tình yêu của Chúa, tình yêu vượt trên mọi chuẩn mực con người đặt ra. Hơn nữa, tình yêu và lòng thương xót của Chúa luôn dừng lại cách đặc biệt tại gốc cây sung, nơi phận người tội lỗi và bất hạnh như Gia-kêu ngày xưa đang ngồi trên đó, để rồi lòng thương xót mở lời: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).
Xuống mau! Mau mau ra khỏi vỏ ốc bất hạnh! Hãy trở về với chính tâm hồn của mình, nơi sâu thẳm của lòng mình, để gặp Chúa giàu lòng thương xót.
Đừng sợ gì cả! Tình yêu của Chúa luôn dịu ngọt và chính Ngài cho phép chúng ta được ngồi vào trong bàn tiệc hiệp thông với Ngài và với mọi anh chị em khác.
Sau Thánh Lễ, một chị chạy đến và nghẹn ngào chị nói lời cám ơn về Thánh Lễ, về lời rất đẹp của Chúa đã dành cho chị và cho mọi anh chị em vô gia cư đang hiện diện nơi đây.
Ôi đẹp quá! Khuôn mặt và lời nói nghẹn ngào của chị! Thái độ rất đẹp của chị làm cho lòng tôi vui hơn, khi hôm nay nhớ lại trải nghiệm này và đọc lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Thật tuyệt vời, thật đậm tính Tin Mừng và thật trẻ trung biết bao khi một Giáo hội sẵn sàng bước ra khỏi chính mình và giống như Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Một Giáo hội tiên tri, nhờ sự hiện diện của mình, nói với những người tan nát cõi lòng và bị thế giới ruồng bỏ rằng: ‘Hãy can đảm và đừng bỏ cuộc, Thiên Chúa đã đến gần. Đối với anh chị em cũng vậy, mùa hè được sinh ra ngay giữa mùa đông. Ngay cả từ nỗi đau của anh chị em, niềm hy vọng có thể nảy sinh trở lại”.
Ôi, đẹp quá! Khuôn mặt và lời nói nghẹn ngào của chị! Thái độ rất đẹp của chị như nói với tôi rằng: Mình Máu Thánh Chúa Giê-su luôn trân trọng và yêu thương từng phận người, trong đó có chị và có tất cả các anh chị em đang cùng chúng tôi dâng Thánh Lễ hiệp thông đơn sơ nhưng tràn đầy ý nghĩa này.
Ôi, đẹp quá! Khi Thánh Lễ hiệp thông kết thúc lại được kết nối với buổi ăn trưa sau đó với bao nụ cười và tâm tình trao nhau tràn đầy tình người và tình Chúa!
Mình và Máu Thánh Chúa nối kết và hiệp thông.
Trong mỗi Thánh Lễ Cộng Đồng Dân Chúa hiệp thông bên Chúa và với Chúa. Đó là hình ảnh bữa ăn cao quý Thiên Chúa đã ban tặng, để nối kết và hiệp thông mọi người con cái của Chúa ở khắp hoàn cầu lại với nhau.
Vào năm Thánh 2000, lúc còn là một tu sĩ đang học triết, chúng tôi được phép đồng hành với một nhóm giới trẻ Công Giáo Việt Nam đến Rô-ma tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Thế Giới. Biết bao nhiêu nụ cười, biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ người với người có cùng một trái tim người trẻ. Đẹp lắm và luôn đẹp lắm, khi nhìn thấy còn cái Chúa từ khắp hoàn cầu đổ về, để cùng hiệp thông ca tụng tôn vinh và tri ân Thiên Chúa.
Tinh thần hiệp thông ghi đậm nhất là vào Thánh Lễ cuối cùng của cuộc gặp gỡ. Hai triệu người trẻ tiến về Tor Vergata ở ngoại thành Rô-ma. Suốt đêm chúng tôi canh thức, vui chơi, hò hát, chọc ghẹo nhau và cầu nguyện cùng dâng thánh lễ trong những túp lều hay trên những thảm cỏ đơn sơ. Có thánh lễ bằng tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức… Nơi đâu gần là chúng ta đến để hiệp thông dâng thánh lễ. Dù chẳng hiểu gì ngôn ngữ được dùng trong thánh lễ, nhưng chúng tôi hiểu được ngôn ngữ tình yêu của bí tích cao trọng, Bí Tích Thánh Thể.
Suốt đêm ngủ ít nhưng vui nhiều qua đi, sáng hôm sau 2 triệu bạn trẻ cùng “canh cánh” đợi chờ Vị Cha Chung đến. Đó là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II.
Trời nóng bức, chúng tôi được xe của các lính cứu hỏa chạy xung quanh, phun nước làm mát thân xác và mát cả tâm hồn chúng tôi. Hòa với các dòng xe đó là các máy bay trực thăng cũng tuôn đổ dòng nước xuống trên chúng tôi.
Ôi trời cao đổ mưa tưới mát bao trái tim trẻ trung hiệp thông chuẩn bị bước vào bàn tiệc Thánh Thể với Vị Cha Chung.
Giờ đã điểm, ai ai cũng chen nhau đến gần đường đi, để ít nhất nhìn thấy bóng hình của Đức Gioan Phao-lô II. Càng nhìn được rõ lòng càng thêm vui. Vừa chen, vừa lấn, vừa la to: “Pope John Paul II, we love you!”
Sau đó, bữa tiệc cao quý được khai mạc.
Tất cả hai triệu đứa trẻ hiếu động và nghịch ngợm đi vào tĩnh lặng. Thinh lặng trở nên hồn sống của tinh thần hiệp thông. Thinh lặng của hai triệu đứa trẻ “dọn đường” cho Lời Chúa vang lên trên cánh đồng thật lớn Tor Vergata.
Đan sen vào Lời Chúa và hòa quyện vào bầu khí tĩnh lặng là lời của Vị Cha Chung cử hành bữa tiệc cao quý, bữa tiệc Lời Chúa và bữa tiệc Thánh Thể.
Điểm kết là mỗi đứa chúng tôi nghiêm chỉnh xếp hàng đến với các tư tế của Chúa để đón nhận Thánh Thể.
Khăn gói lên xe bus về lại nhà, mà tình hiệp thông với Vị Cha Chung, với hai triệu bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới vẫn còn “cháy”, vẫn còn “nóng” cho đến giờ này, nghĩa là sau 22 năm ngồi viết những dòng này.
Ôi sự hiệp thông với Chúa và với anh chị em tại bàn tiệc Chúa ban thật quý biết bao nhiêu!
Tính hiệp thông giữa con người chúng ta với Thiên Chúa được thể hiện qua giao ước ngày xưa, giao ước hằng mong đợi của chính Thiên Chúa dành cho chúng ta: “chúng sẽ là một dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Gr 24,7).
Tính hiệp thông cũng được Giáo Hội tiên khởi sống thật sát và thật trọn vẹn, như thánh Luca viết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,44-46).
Tinh thần hiệp thông này trong bí tích Thánh Thể như là con đường đưa đến hạnh phúc đích thật mà mỗi người chúng ta khao khát. Đó là được kết hiệp nên một với Thiên Chúa, như trong thông điệp Ecclesia de Eucharistie viết trong số 34: “Vì vậy Thánh Thể xuất hiện như là đỉnh cao của tất cả các Bí tích, vì nó làm cho nên hoàn thiện mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa Cha, bằng cách đồng hóa với Người Con yêu dấu duy nhất của Người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Với một đức tin sâu sắc, một văn sĩ nổi tiếng của truyền thống Byzantin đã thốt lên sự thật này : Trong Thánh Thể, không giống như các Bí tích khác, mầu nhiệm (hiệp thông) quá hoàn hảo đến nỗi Bí tích này đưa chúng ta đến những đỉnh cao của mọi điều thiện hảo : đó là mục tiêu tối hậu của mọi khát vọng nhân loại, vì ở nơi đó, chúng ta đến được với Thiên Chúa và Thiên Chúa kết hiệp với chúng ta trong sự kết hiệp hoàn hảo nhất”.
Tinh thần hiệp thông qua Mình và Máu Thánh Chúa cũng được Đức Benedicto XVI giải thích trong bài giảng ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa năm 2006: “Bánh được làm với nhiều hạt lúa mì hợp lại với nhau qua bột mì; bột do bởi nhiều hạt lúa làm nên. Chúng ta là cộng đoàn, gồm nhiều người, phải trở thành một ổ bánh, một thân thể như thánh Phaolô nói. Bởi chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (1Cr 10,17)”.
Thật vậy, dù nhiều đến triệu người, ngàn người, trăm người, hay mười người hoặc hai người, nếu chúng ta cùng hợp nhau cử hành Thánh Thể, thì chúng ta đang sống tinh thần hiệp thông thật cao quý. Henri Nouwen suy tư như sau: “Khi hai, ba, mười, một trăm hoặc một ngàn người ăn cùng một bánh và uống cùng một chén, và như thế cũng là trở nên hợp nhất với cuộc sống bị bẻ ra đổ ra của Chúa Ki-tô, thì những người ấy cũng khám pha ra rằng cuộc sống của họ là một phần của một cuộc sống duy nhất và như thế, họ cũng nhìn nhận nhau là anh, chị, em. Trên thế giới này chỉ có rất ít nơi con người có thể giơ cao và cử hành bản tính chung của con người, nhưng cứ mỗi lần ta đến với nhau chung quanh những dấu chỉ đơn sơ của bánh và rượu, là mỗi lần ta phá đổ nhiều bức tường ngắn, thành chắn và đạt được một ý niệm mơ hồ nào đó về ý định của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Và cứ mỗi lần chuyện ấy xảy ra là mỗi lần ta được mời gọi không chỉ quan tâm tới hạnh phúc của nhau, mà còn quan tâm tới hạnh phúc của mọi người trên thế giới này”.
Như thế, cử hành Bí Tích cao trọng này luôn là cuộc cử hành của toàn thể Hội Thánh, của Giáo Hội vây quanh Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng tự hiến Mình Máu để biểu lộ tình yêu cao vời của Thiên Chúa dành cho nhân trần.
Vâng, mỗi khi ngồi vào bàn tiệc cao quý Chúa ban tặng, mối dây liên kết và hiệp thông được trao gởi. Mối dây của tình yêu đưa lại sự ủi an đỡ nâng và niềm vui cùng bình an trong mỗi phận người, bởi vì mỗi người đều được Chúa trân trọng và mến thương.
Nhưng để có thể xứng đáng tham dự vào bàn tiệc cao quý này, cũng như cử hành mầu nhiệm cao trọng này, là phận người chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn và đời sống. Sự chuẩn bị quan trọng là tinh thần thần ăn năn sám hối. Thánh Phaolô nhắc đến điều này: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này” (1Cr 11,28). Thánh Gioan Kim Khẩu khuyên nhủ các tín hữu: “Tôi cũng lên tiếng, kêu van, nài xin, khẩn khoản rằng đừng ai đến gần bàn thánh này với một lương tâm ô uế và đồi bại. Quả vậy, một hành động như thế không thể gọi là ‘hiệp thông’, dù chúng ta rước Mình Thánh Chúa ngàn lần, nhưng phải gọi là ‘án phạt’, ‘nỗi dày vò’ và ‘sự gia tăng hình phạt’”.
Mình và Máu Thánh Chúa gợi mời lòng sám hối.
“Cốc cốc…”.
Mở cửa văn phòng, một người phụ nữ trung niên bước vào và xin được gặp gỡ nói chuyện. Mời chị ngồi. Sau một vài lời chào hỏi giới thiệu, chị bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời chị.
Lần đầu tiên gặp chị, nhưng chị vẫn tin tưởng và mở lòng hoàn toàn để kể về cuộc đời quá khứ với hơn 30 năm qua. Một thời gian dài với 30 năm thật nhiều chông gai thử thách đến từ gia đình, từ xã hội và từ bản thân nữa.
Đi theo những lời kể, đôi khi những dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt chị. Nước mắt của đau khổ, nước mắt của thống hối ăn năn về những lầm lỡ tội lỗi của một thời. Để những giọt nước mắt thống hối của chị tìm được “ý nghĩa trọn vẹn” của nó, tôi nhẹ nhàng đề nghị chị: “Nếu chị muốn chúng ta có thể cùng xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi cho chị qua bí tích Hòa Giải”.
Chị nghẹn ngào đón nhận lời đề nghị, dù đã từ rất lâu chị không biết xưng tội là gì và xưng tội như thế nào.
Sau một vài phút hướng dẫn chị về cách thức xưng tội, tôi bước ra ngoài để chị chuẩn bị tâm hồn nhớ lại những lầm lỡ của mình và ăn ăn sám hối dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Tiếp đến, căn phòng của lòng thương xót được mở ra, người phụ nữ bắt đầu xưng thú mọi lầm lỡ. Mỗi lời nói của chị được đan sen và hòa quyện với những giọt nước mắt của một tâm hồn ăn năn khiêm tốn.
Cuối cùng, như ngày xưa Chúa Giê-su đã yêu thương tha thứ cho người tội lỗi khóc sướt mướt bên chân Chúa thế nào, thì giờ đây sau hơn 2000 năm Chúa lại yêu thương tha thứ và đón nhận chị phụ nữ này vào căn nhà yêu thương của Chúa.
Sau khi chị xưng tội xong và sau 05 tiếng đồng hồ lắng nghe chị tâm sự và trao gởi mọi tâm tình, tôi đã mở lời chân thành, dịu dàng nhưng cũng thật mạnh mẽ: “Chúa Nhật này, mời chị đến cùng dâng Thánh Lễ của Cộng Đoàn. Đặc biệt chị lên rước Thánh Thể Chúa như mọi người nghe!”
“Vậy sao cha?” Chị hỏi lại.
Tôi đáp lời: “Vâng, đúng vậy đó chị! Chúa giàu lòng thương xót đã tha thứ mọi lỗi lầm cho chị. Giờ đây trong đôi mắt của Chúa chị thật quý giá và được Chúa trân trọng mến thương”.
“Thưa vâng”. Chị mở lời.
Chúa Nhật đến, cùng Cộng Đoàn dâng Thánh Lễ tại mảnh đất của nước Đan Mạch. Khi ca đoàn hát bài nhập lễ, tôi rảo mắt nhìn mọi người và cố ý đi tìm bóng dáng của chị phụ nữ.
Oh, chị đang đứng kia! Tôi vui mừng trong lòng và sau đó mở lời chào và lời cầu chúc: “Chúa ở cùng anh chị em”. Chúa ở cùng chị phụ nữ tội lỗi đã được Chúa yêu thương tha thứ. Chúa ở với toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa. Chúa cũng ở với tôi, một linh mục với thân phận yếu đuối và tội lỗi. Có Chúa ở cùng và với lòng tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, chúng tôi bắt đầu mở lòng và mở lời sám hối ăn năn: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em…”
Lời kinh Cáo Mình của mỗi người trước tôn nhan Thiên Chúa và trước cả Cộng Đồng Dân Chúa diễn tả sự khiêm tốn của mỗi tín hữu. Tất cả đều là những người tội lỗi và tin tưởng vào lòng thương xót vô bờ của Chúa, để xin Chúa thứ tha. Nói khác đi mỗi tín hữu bắt đầu Thánh Lễ với tâm tình của người thu thuế bước vào đền thờ: “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).
Nhưng ý nghĩa của việc sám hối ăn năn lúc đầu Thánh Lễ có ý nghĩa gì sâu xa hơn? Đức Thánh Cha Phanxico chia sẻ như sau: “ở đầu Thánh Lễ, chúng ta cùng nhau thực hiện cử chỉ sám hối qua một công thức thú tội chung, được nói lên ở ngôi thứ nhất số ít. Mọi người đều thú tội với Thiên Chúa và với các anh chị em rằng mình ‘đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót’. Vâng, ngay cả trong sự thiếu sót, nghĩa là đã không làm những điều tốt mà tôi có thể làm. Chúng ta thường cảm thấy tốt bởi vì – chúng ta nói – “Tôi đã không làm tổn thương ai cả”. Trong thực tế, chỉ không làm tổn thương người khác thì chưa đủ, cần phải chọn để làm điều tốt bằng cách nắm lấy những cơ hội để làm chứng tốt rằng chúng ta là các môn đệ của Chúa Giêsu. Thật tốt khi nhấn mạnh rằng chúng ta thú nhận với cả Thiên Chúa lẫn anh chị em rằng mình là những kẻ tội lỗi: điều này giúp chúng ta hiểu được chiều kích của tội lỗi là điều, trong khi tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa, cũng chia cách chúng ta với anh chị em mình và ngược lại. Tội lỗi cắt đứt: cắt đứt mối liên hệ với Thiên Chúa và cắt đứt mối liên hệ với anh chị em, mối liên hệ trong gia đình, ngoài xã hội và trong cộng đồng: Tội lỗi luôn cắt đứt, phân cách và chia rẽ.
Các lời chúng ta nói qua miệng của mình đi kèm với cử chỉ đấm ngực của mình, nhìn nhận rằng tôi đã phạm tội do lỗi của chính tôi, chứ không phải của người khác. Thường xảy ra là chúng ta chỉ ngón tay để tố cáo người khác vì sợ hoặc xấu hổ. Nhìn nhận có tội như thế này, nhưng thật tốt khi thú nhận nó với lòng chân thành. Chúng ta hãy thú nhận tội lỗi của mình.
Đôi khi có người hỏi, ‘Tại sao chúng ta phải đi đến nhà thờ, bởi vì những người tham dự Thánh Lễ thường xuyên cũng là những người tội lỗi như những người khác’. Đã bao lần chúng ta nghe câu ấy! Thực ra, những người cử hành Thánh Lễ không làm thế bởi vì họ tin rằng mình hoặc muốn được coi là tốt hơn những người khác, nhưng bởi vì họ luôn nhận ra nhu cầu cần được chấp nhận và được tái sinh bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã làm người trong Đức Chúa Giêsu Kitô. Nếu mỗi người chúng ta không cảm thấy cần lòng thương xót của Thiên Chúa, không cảm thấy mình là kẻ có tội, thì tốt hơn đừng đi Lễ! Chúng ta đi Lễ bởi vì chúng ta là những người tội lỗi và chúng ta muốn nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, tham dự vào ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, ơn tha thứ của Người. ‘Kinh Cáo Mình’ mà chúng ta đọc ở đầu Lễ không phải là một ‘ước lệ’, mà là một hành vi sám hối thật sự! Tôi là một kẻ tội lỗi và tôi thú nhận nó, Thánh Lễ bắt đầu như thế! Chúng ta không bao giờ được quên rằng Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu đã diễn ra trong đêm Người bị nộp (1Cr 11,23). Mỗi lần chúng ta tụ họp chung quanh bánh và rượu mà chúng ta dâng tiến thì hồng ân Mình và Máu Đức Kitô để tha tội cho chúng ta được nhắc lại trong đó. Chúng ta phải đi Lễ một cách khiêm nhường, như những kẻ có tội, và Chúa giao hòa chúng ta”.
Sau kinh cáo mình sám hối là lời cầu xin của từng tâm hồn đang đứng trước tôn nhan Chúa, chúng tôi tiếp tục kêu xin Chúa: “Xin Chúa thương xót con, xin Chúa thương xót chúng con”.
Lời cầu nguyện thật đẹp của những phận người ý thức và khiêm tốn. Như thế, chúng ta đến với Thánh Lễ là đem theo tất cả, nhất là tội lỗi của chúng ta, sự bất xứng của chúng ta, sự biếng lười của chúng ta, sự kiêu hãnh của chúng ta và tất cả những gì xấu xa trong con người của chúng ta.
Tất cả những gì là xấu nhất, tệ nhất mà chúng ta mong muốn chúng lìa bỏ khỏi thân xác, tâm hồn và cuộc đời chúng ta, chúng ta dâng lên Chúa, để chính Chúa tha thứ cho chúng ta.
Trong lời truyền phép chén rượu, có câu: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy, Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Chúa Giê-su chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và Đấng Yêu Thương đã tự ý hiến thân mình đổ máu ra trên bàn thờ để cứu độ chúng ta. Đó là một hành động thật tuyệt vời của tình yêu và thương xót. Đó là lúc mà chúng được chính Mình Máu Thánh Chúa gợi mời chúng ta sám hối ăn năn thực sự, để nhờ đó thân mình hèn yếu của chúng ta sẽ được Thánh Thể Chúa hòa nhập và làm cho chúng ta nên con người mới đúng theo lòng Chúa ước mong.
Thánh Augustino làm nổi rõ cách thế Đức Kitô đồng hóa chúng ta với Người: “Tấm bánh mà anh chị em thấy trên bàn thờ, được thánh hiến nhờ lời Thiên Chúa, là mình Đức Kitô. Bằng những dấu chỉ này Đức Kitô đã muốn trao phó cho chúng ta Mình và Máu Người, đã đổ ra cho chúng ta để được ơn tha tội. Nếu anh chị em lãnh nhận cách sốt sắng, thì chính anh chị em trở thành điều mà anh chị em đã lãnh nhận” (Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 36).
Thánh Ambrosio thì nói: “Mỗi lần chúng ta rước lễ, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết. Nếu chúng ta loan truyền cái chết của Chúa, thì cũng loan truyền ơn tha tội. Nếu mỗi lần Máu Người đổ ra, là đổ ra để tha tội, thì tôi phải luôn lãnh nhận Máu Người, để Người luôn tha tội cho tôi. Tôi là kẻ luôn phạm tội, nên tôi luôn phải có một phương dược” (x. SGLHTCG. Số 1393).
Còn thánh Fulgentiô Ruspensê thì viết: “Vì yêu thương Đức Ki-tô đã chết cho chúng ta, nên mỗi khi tưởng niệm cuộc tử nạn của Người trong Thánh Lễ, chúng ta xin Người ban tình yêu cho chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần ngự đến; chúng ta khiêm tốn khẩn nguyện rằng, nhờ tình yêu mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, và nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta có thể coi thế gian như đã bị đóng đinh, và chúng ta bị đóng đinh cho thế gian;… khi đã lãnh nhận hồng ân tình yêu, chúng ta hãy chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa” (x. SGLHTCG. Số 1394).
Với cha Paul de Jeagher, “đó là phép lạ đang diễn ra từng giờ, từng phút, một phép lạ vượt xa vô cùng tất cả các phép lạ Chúa đã làm để chữa lành các bệnh nhân và cho kẻ chết sống lại. Chúa đã làm phép lạ này vì yêu thương tôi và để chiếm lấy tôi…
Chúa Giê-su Thánh Thể còn là Đấng rất đầy đủ để giúp ta đền tạ tội lỗi, và đó là kho tàng quý giá cho ta, vì chúng ta luôn luôn và rất cần phải đền tạ Chúa vì những lỗi phạm của chúng ta. Chúng ta đã lỗi phạm rất nhiều, đã phạm tội rất nhiều trong đời sống của mình. Đường đời của chúng ta đầy những tội lỗi, ấy là chưa kể những lỗi phạm mà mình không ý thức, như lời Thánh Vịnh đã kêu xin Chúa: ‘Xin Chúa tẩy rửa con khỏi những lỗi phạm mà con không hay biết’ (Tv 18,13). Những lỗi lầm của chúng ta nhiều hơn tóc trên đầu chúng ta, và mỗi ngày con số những lỗi phạm vẫn tăng thêm. Ôi nếu chúng ta không có Chúa Giê-su để tha thứ và đền tạ các tội lỗi của ta, thì chúng ta sẽ khốn nạn dường nào.
Phúc cho chúng ta, vì Chúa Giê-su đã hy sinh chuộc tội và đền tội chúng ta. Chỉ một giọt Máu Thánh của Ngài cũng đủ tẩy rửa hết mọi tội của thế giới… Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa Giê-su lại giang hai tay ra trên thập giá để cứu chuộc chúng ta: Ngài lại chịu chết cách mầu nhiệm để đền tội lỗi chúng ta. Ngài đưa cho Cha Ngài thấy chân tay Ngài bị đóng đinh để xin ơn tha thứ cho chúng ta và cả thế giới… Chắc chắn chúng ta phải chịu trách mình về trăm ngàn lần đã bất trung với Chúa… Nếu chúng ta tìm những lý do chống chữa những lỗi phạm của mình, hoặc để tự nhủ rằng mình không có lỗi gì hết, thì chúng ta sai lầm lắm… Điều chúng ta phải làm là thú nhận sự bất trung và bất xứng của mình, và đặt tất cả niềm tin tưởng tín thác nơi Chúa Giê-su Thánh Thể, của lễ đền tội vô cùng trong trắng của chúng ta. Hãy đổ tất cả mọi tội lỗi chúng ta, những tội chúng ta nhận ra và những tội không nhận ra, trong máu châu báu của Con Chiên vẹn sạch đã tự hiến tế cho tất cả chúng ta”.
Như thế, cử hành Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa là cử hành tình yêu và lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa dành cho chúng ta, là những phận người yếu đuối và tội lỗi. Lòng thương xót và tha thứ được thực hiện qua Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, Đấng hằng thương xót chúng ta và ban cho chúng ta bình an của Ngài.
Lời kết.
Tóm lại, Mình Máu Thánh Chúa chính là bữa tiệc hiệp thông gợi mời lòng sám hối. Mình Máu Thánh Chúa mở ra một cuộc gặp gỡ hiệp thông tuyệt vời giữa chị phụ nữ tội lỗi với những giọt nước mắt & với Chúa, giữa anh Gia-kêu và Chúa Giê-su tại gốc cây sung, giữa người phụ nữ ở Đan Mạch với Chúa trong căn phòng của lòng thương xót, giữa nhóm các anh chị em vô gia cư và chúng tôi ở Paris quây quần xung quanh bàn tiệc cao quý của Thiên Chúa dọn ra, giữa hai triệu bạn trẻ chúng tôi quây quần bên Vị Cha Chung, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tại Tor Vergata, để tôn vinh Chúa, Đấng là tình yêu. Chính Ngài nói với tất cả từng phận người hôm qua, hôm nay và ngày mai rằng:
“Tu es précieux à mes yeux, honorable,
et que, moi, je t’aime –
Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá,
vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4).
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
(dongten.net)